Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Các vụ tự tử trên cầu Cần Thơ

Các vụ tự tử trên cầu Cần Thơ

Giải mã 10 vụ tự tử kỳ bí trên cầu Cần Thơ

(Phunutoday) -Cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất nước bắc qua dòng sông Hậu, được đưa vào sử dụng cách đây hơn 1 năm. Lẽ ra cầu Cần Thơ đã có thể đưa vào sử dụng sớm hơn, nhưng vì sự cố sập nhịp dẫn của cầu vào cuối tháng 9/2007 làm chết 53 công nhân, đã làm cho thời gian hoàn thành xây dựng cầu trễ hơn nhiều so với kế hoạch. Chuyện “chết chóc”liên quan đến cây cầu lại tiếp tục diễn ra khi chỉ sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng mà có tới 10 trường hợp người ta tự chọn cái chết bằng cách lên cầu Cần Thơ và nhảy xuống dòng sông Hậu.

Ngập ngừng khi qua cầu Cần Thơ

Mỗi lần chạy xe qua cầu Cần Thơ, khi đến nhịp dẫn số 11 – 12 phía bờ bắc, bao giờ tôi cũng chạy chậm lại. Có lẽ do tôi bị ám ảnh bởi hai câu thơ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ - Dưới đáy sông sâu bạn tôi nằm” nói về tâm trạng của một cựu chiến binh khi trở lại dòng sông Thạch Hãn, nơi những đồng đội của ông đã hi sinh khi băng qua sông đánh chiếm thành cổ Quảng Trị vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

Những công nhân tử nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ không ai là bạn tôi, nhưng mỗi lần chạy xe qua cầu, đến chỗ xảy ra tai nạn ngày trước, tôi luôn chạy chậm lại như sợ làm động giấc ngủ của những người không may ấy.

Một ngày sau khi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, tôi đã đến nơi này và tình cờ chứng kiến cảnh đau lòng mà mãi những năm sau này nó cứ ám ảnh tôi. Đó là cảnh một cô gái trẻ, rất đẹp ra bến sông đón thi hài của chồng từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chở về bằng tàu. Hai mươi ngày trước khi xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu, có một đám cưới rước dâu bằng thuyền đi trên sông Hậu từ phía bến phà về chân cầu Cần Thơ đang xây dựng sắp hoàn thành.

Đám cưới của đôi bạn trẻ Huỳnh Văn Luật - Trần Thị Kim Ngọc vào thời điểm cầu chuẩn bị hoàn thành thay thế cho chiếc phà già nua, như càng làm tăng thêm ý nghĩa hạnh phúc lứa đôi, xây dựng tương lai tươi sáng. Chỉ có 3 ngày cho "tuần trăng mật", chưa kịp phóng to ảnh cưới, Luật đã vội vã trở lại làm công nhân công trình thi công cầu Cần Thơ với bao dự định cho tương lai.

Cái nghèo và bệnh tật của mẹ đã buộc chàng học viên Trường Trung cấp Bưu chính – Viễn thông TP. HCM Huỳnh Văn Luật từ giã giảng đường trở về quê hương tìm cuộc mưu sinh, rồi cưới cô thôn nữ Kim Ngọc đẹp nhất xã Mỹ Hòa bên bờ sông Hậu. Ý định nhận lương tháng 9 về phóng lớn ảnh cưới treo trong nhà của Luật mãi mãi bị vùi chôn theo sự đổ sụp của hai nhịp cầu định mệnh.

Sau ngày cưới đúng 20 ngày, cô dâu trẻ đẹp Kim Ngọc lại ra bến sông nơi ghe cưới cập bến ngày nào, nhưng không với bó hoa cưới lộng lẫy, mà với vầng khăn tang màu trắng trên đầu để đón thi thể chồng từ bến Ninh Kiều chuyển về.

Gia đình đã kịp can ngăn khi cô gái trẻ dự định đập đầu quyên sinh chết theo chồng, nếu không có lẽ chuyện tình của họ sẽ trở thành huyền thoại đau thương còn lưu lại mãi với chiếc cầu lớn nhất nước này.

Một ngày đầu tháng 5/2011 vừa qua, tôi lại có dịp đi xe ngang qua cầu Cần Thơ, tôi lại chạy chầm chậm, ngập ngừng khi đi ngang qua nơi xảy ra sự cố năm nào. Tôi tự hỏi, không biết cô gái Kim Ngọc trẻ đẹp góa chồng chỉ sau 20 ngày cưới bây giờ đã hết đau thương, tìm được hạnh phúc mới hay chưa.

Cô vẫn còn ở dưới chân cầu hay đã chuyển đi nơi nào khác... Đang miên man nghĩ ngợi, chợt tôi thấy cảnh lạ trên cầu: nhiều người đứng bu vào lan can cầu, tay chỉ trỏ xuống dòng sông Hậu. Tôi rà xe lại hỏi thăm và được biết vừa có một vụ nhảy cầu tự vẫn, hiện nạn nhân đã được cứu vớt, không biết sống chết thế nào.

Tôi chạy vòng xe xuống chân cầu, tìm đến Đội dân phòng đường sông xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) ở phía bờ bắc cầu Cần Thơ để hỏi thăm tình hình.

Ông Dương Công To - Đội trưởng Đội dân phòng đường sông xã Mỹ Hòa - cho biết, vừa mới sáng sớm, ông nghe tiếng tri hô từ trên cầu Cần Thơ, nhìn ra mặt sông ông thấy một chấm đen lặn ngụp theo dòng nước chảy mạnh.

Ông To cùng một số người trong đội đã nhanh chóng chạy ghe ra giữa sông Hậu cứu vớt nạn nhân. Người tự tử là một phụ nữ, khoảng 30 tuổi, đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Minh (Vĩnh Long) trong tình trạng khó thở và bầm tím cơ thể.

Sau đó tôi đến bệnh viện tìm hiểu và được biết, người tự tử - chị P.T.H., 31 tuổi, ngụ quận Cái Răng - TP Cần Thơ – đã được cứu sống. Người ta cho biết, chị tử tử là vì buồn chuyện gia đình. Cũng trong buổi sáng ở Đội dân phòng đường sông xã Mỹ Hòa và Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Minh, tôi được biết, đó là vụ tự tử thứ 10 ở cầu Cần Thơ kể từ khi cây cầu này thông xe cách đây hơn một năm, nhưng chỉ có 2 trường hợp được cứu sống.

Tự tử ngay sau khi khánh thành cầu

Sau hơn 5 năm thi công, ngày 24/4/2010, cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên quốc lộ 1A nối liền hai bờ sông Hậu, chính thức được khánh thành. Toàn tuyến dự án cầu Cần Thơ dài gần 16km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên quốc lộ 1A, thuộc huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), vượt qua sông Hậu ở nơi cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu hơn 3km và kết thúc tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 4.832 tỉ đồng (thời điểm 2001) bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15%). Phần cầu chính của cầu Cần Thơ có chiều rộng hơn 23m, gồm bốn làn xe ô tô và 2 làn xe máy. Cầu có tĩnh không thông thuyền cao 39 mét, đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại.

Dự án cầu Cần Thơ được phát lệnh khởi công ngày 25/9/2004 và dự kiến đến cuối năm 2008 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên ngày 26/9/2007 xảy ra sự cố sập hai nhịp dẫn, nên phải ngưng thi công một thời gian làm trễ tiến độ so với kế hoạch.

Cầu Cần Thơ góp phần thông thương tuyến đường bộ từ TP. HCM đi về thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Nhờ chiếc cầu này, các loại phương tiện giao thông và hàng hóa sẽ không phải mất bình quân 20 phút để sang sông theo những chuyến phà, chưa kể nhiều ngày lễ, tết… phải mất cả buổi vì kẹt phà.

Hàng trăm ngàn người dân Cần Thơ, Vĩnh Long và các tỉnh lân cận đã hồ hởi đi qua cầu Cần Thơ ngay sau lễ khánh thành, làm cho không khí trên cầu và hai bên đầu cầu trong những ngày sau đó luôn nhộn nhịp như lễ hội.

Thế nhưng, lẫn trong những đoàn người hớn hở đi xem cầu Cần Thơ mà như đi xem kỳ quan thế giới vào chiều ngày 27/4/2010, có một đôi nam nữ cũng tay nắm tay dắt nhau lên cầu, nhưng mặt mày ủ dột, buồn thiu.

Lên đến đỉnh cầu, ở nơi cách mặt nước sông gần 40m, hai người dừng lại, đứng tựa vào lan can cầu nhìn về phía thượng lưu dòng sông Hậu. Một lúc sau họ đổi thế đứng, đối mặt nhau, rồi cô gái gục đầu vào vai người trai, nước mắt chảy dài. Chàng trai vuốt tóc cô gái ra chiều an ủi, vỗ về.

Một số khách đi tham quan cầu thậm chí còn trêu chọc họ quá ư đẹp đôi, tình tứ. Thế nhưng, những người đi trên cầu bỗng hoảng hốt khi đôi nam nữ trèo qua lan can cầu, đứng trên mép ngoài cầu, ở nơi không có gì che chắn bảo vệ, rất nguy hiểm.
Cầu Cần Thơ.
Cầu Cần Thơ.

Họ nói gì đó với nhau, rồi chàng trai thả mình rơi xuống dòng sông Hậu từ độ cao gần 40m. Người nữ cũng dự định nhảy theo, nhưng chưa kịp nhảy, vì quá sợ hãi đã ngất xỉu ngay trên mép cầu và được những người đi đường kịp thời giữ lại và đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Đến 6 giờ sáng hôm sau, xác nạn nhân mới được tìm thấy ở cách cầu cả cây số. Danh tính người chết cũng được xác định: anh L.T.S sinh năm 1988 ngụ tại phường Bùi Hữu Nghĩa, TP. Cần Thơ.

Còn cô gái “chết hụt” là người yêu của nạn nhân, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Họ bị bế tắc trong hạnh phúc, cuộc sống, nên rủ nhau tìm đến cái chết với hi vọng ở một thế giới khác họ sẽ được hạnh phúc, mãi mãi bên nhau. Và để cái chết của mình thêm phần “ấn tượng”, họ rủ nhau lên cầu Cần Thơ “khai trương” chuyện tự tử. Không biết có phải đôi nam nữ nói trên “mở hàng” đúng vào “giờ tốt” hay không, mà sau đó liên tục xảy ra những vụ tự tử ở cầu Cần Thơ, trung bình chỉ hơn một tháng một vụ tự tử.

Nếu có một thế giới khác sau khi chết, ắt hẳn chàng trai nói trên sẽ rất ân hận vì khi cùng nhau tự tử họ đã không buộc tay vào nhau, để người yêu của mình “rớt” lại, gây ra cảnh “người đi kẻ ở”. Cũng chuyện hai người yêu nhau mà gặp trắc trở, dắt nhau đi nhảy sông tự tử, nhưng nửa chừng một người “phản kèo” ở lại, chỉ một người chết, trước đó mấy năm ở thành phố Tân An (tỉnh Long An) cũng đã từng xảy ra.

Lần ấy, để cho “chắc ăn”, đôi nam nữ này đã dùng dây buộc tay vào nhau trước khi cùng nhảy xuống sông Vàm Cỏ Tây để cùng tự tử. Và họ đã tay trong tay cùng chìm xuống nước, cùng tìm đến cái chết để được mãi mãi bên nhau, còn hơn sống lại trên dương trần mà phải chịu cảnh chia cắt. Thế nhưng, trước cái chết, khi đã quá ngạt thở vì nước, bản năng sinh tồn trong họ đã trổi dậy, họ vùng tay ra một cách vô thức, làm bung sợi dây trói chặt hai người.

Chàng trai nhờ biết bơi mà đã không chết, được một chiếc ghe chạy ngang cứu sống, còn cô gái không biết bơi đã chìm sâu dưới dòng sông. Sau đó chàng trai đã ôm mộ người yêu khóc suốt mấy ngày, nhưng chỉ mấy tháng sau là anh nguôi ngoai, rồi quen biết một cô gái khác, thành chồng thành vợ, sống đầm ấm đến nay. Mỗi lần đến ngày giỗ cô gái bị chết chìm năm nào, cả hai vợ chồng chàng trai đều đến đốt nhang như để tạ lỗi với người đã khuất.

Chuyện đau lòng hai bà cháu cùng tự tử

Rạng sáng 12/11/2010, người ta phát hiện trên sông Hậu đoạn gần cầu Cần Thơ xác một phụ nữ và một bé trai chết trôi. Hai xác chết bị buộc chặt vào nhau bằng sợi dây cao su loại dùng để ràng xe. Danh tính hai nạn nhân ngay sau đó đã được xác định là Phan Thị Hồng Thái (44 tuổi) và Trần Nhật Nam (6 tuổi, cháu ngoại bà Thái, học lớp 1B Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) cùng ngụ tại khóm Châu Long 8, phường Châu Phú B, thị xã Châu Đốc, An Giang, ở cách nơi tìm thấy xác hơn 130km.

Ban đầu, ai cũng nghĩ hai bà cháu bị chết đuối ở Châu Đốc, xác trôi theo dòng sông Hậu xuống tận cầu Cần Thơ. Thế nhưng, ngày hôm sau, người ta đã tìm thấy một chiếc cặp bên trong chứa sách vở, dụng cụ học tập, một đôi dép và một chiếc nón vải để ngay ngắn dưới dạ cầu Cần Thơ. Người nhà của hai nạn nhân xác nhận đó là đồ dùng và dụng cụ học tập của cháu Nam và bà Thái.

Qua khám nghiệm tử thi, không thấy bất cứ tác động của ngoại lực nào lên thi thể hai nạn nhân, nguyên nhân chết là do ngạt nước. Nhưng ai đã trói họ quăng xuống cầu Cần Thơ, hay là họ tự trói vào nhau trước khi tự tử, mà sao lại đi xa những 130 cây số từ thị xã Châu Đốc đến cầu Cần Thơ để tự tử...? Người nhà của bà Thái cho biết, cách đó khoảng một tuần, bà Thái nói sẽ bán đất để chia tiền cho con kẻo sau này bà đi xa sẽ khó giải quyết cho những người ở lại. Nghe bà nói lạ, nhưng ông Thái không chút nghi ngờ chuyện bà có ý định tự tử.

Buổi chiều 11/11, bà Thái chạy xe gắn máy đi đón cháu đang học ở trường rồi biệt tích cho đến khi được phát hiện thi thể trôi sông cùng cháu Nam cách nhà hơn 130 km.

Bà Thái có chồng và sáu người con. Người con gái đầu đã chia tay chồng, đi làm thuê kiếm sống ở TP. HCM, để lại con trai là bé Nam cho cha mẹ nuôi nấng từ nhỏ cho đến lúc đó.

Ông Phạm Văn Hai – chồng bà Thái - cho biết, quê của ông và vợ ở Vĩnh Long, họ đến Châu Đốc mướn đất làm lúa và dành dụm mua được hơn 1 hecta đất ruộng, cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, những năm sau này, từ khi có các sòng bạc casino ở bên kia biên giới, vợ ông đã sa đà vào chơi bài bạc, bỏ bê gia đình, rồi mang nợ vì thua bài...

Ông đã phải bán đi hơn một nửa số đất ruộng để trả nợ cờ bạc cho vợ con. Thế nhưng bà Thái vẫn không tỉnh ngộ, tiếp tục đi casino ngồi vào các sòng tài xỉu, để rồi tiếp tục vướng nợ của nhiều người. Nhiều lần bà xách xe gắn máy của gia đình đi đánh bạc, khi thua sạch túi đã cầm cố và bán xe để đánh tiếp, rồi lại thua sạch. Khuyên bảo mãi vợ con mà không được, ông Hai bỏ mặc bà muốn làm gì thì làm, tự ông ông sống.

Trước khi chết khoảng ba tháng, bà Thái lại bị chủ nợ vây đòi vì nợ tiền bài bạc. ông Hai phải đem giấy đỏ thế chấp ngân hàng vay 20 triệu đồng để gỡ nợ cho bà, đồng thời chuộc lại chiếc xe gắn máy mà bà đã cầm ở casino.

Chiều 11/11, trước khi rời khỏi gia đình, bà Thái còn làm mồi để ông Hai nhậu chơi với bạn bè, nói chuyện vui vẻ chứ không “sầu bi” như những ngày trước đó.

Khoảng 16 giờ, bà Thái lấy xe máy đi đến trường rước cháu Nam như thường lệ, để rồi cả buổi chiều tối, cả đêm không thấy hai bà cháu trở về nhà. Gia đình đi kiếm khắp nơi mà không ai biết hai bà cháu đi đâu, đến sáng hôm sau thì nhận được hung tin từ Cần Thơ báo về cho biết hai bà cháu đã chết đuối trong tư thế bị trói dính vào nhau.

Cho đến nay vẫn không có thông tin gì cho thấy đây là vụ án mạng, mà bà Thái cả đời cũng không làm ai thù ghét đến nỗi phải giết chết bà. Khả năng duy nhất có thể có là bà Thái đã tự tử để trốn tránh nợ và để tự trừng phạt sự bê tha bài bạc của mình làm cho cửa nhà tan nát. Bà rất yêu thương đứa cháu ngoại học lớp một tên Nam, đứa bé đã sống với bà từ khi mới lọt lòng mẹ, vì vậy mà bà “đem” cháu theo với mình trong chuyến đi về thế giới khác. Thế tại sao bà phải cất công đi tận lên cầu Cần Thơ để tự vẫn cùng cháu?

Câu trả lời có thể là: bà đã từng hứa với cháu Nam nếu bé học giỏi bà sẽ dắt đi coi cầu Cần Thơ, nhưng chưa thực hiện được. Vậy thì nay, trước khi từ giã thế giới này, bà đã giữ đúng lời hứa đưa cháu đi xem kỳ quan của đất đồng bằng là cây cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu.

Chỉ tội cho đứa bé khi vừa nhìn thấy cây cầu mà bé đã từng ao ước được bước qua thì không hiểu vì sao lại bị bà ngoại dùng dây thun buộc chặt người bé vào người bà rồi ôm bé nhảy xuống sông... Và tội cho người mẹ trẻ, khi hay hung tin đã tất tả bao xe từ TP. HCM về Cần Thơ, để rồi nhìn thấy con mình, mẹ mình ôm nhau chết mà không biết vì sao họ chết.

Không phải lỗi tại cầu

Đêm 4/5/2011, ông Mười Chớp – một người dân ở xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) chuyên sống bằng nghề câu cá lăng trên sông Hậu – cũng chong đèn đi thả câu như mọi ngày. Sau những cơn mưa đầu mùa, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều hơn và đục hơn, cá lăng cũng theo dòng nước về phía hạ lưu tìm thức ăn nhiều hơn, các dàn câu của ông Mười Chớp liên tục bị cá kéo chìm phao.

Từ ngày có cây cầu Cần Thơ, ông Mười Chớp thích thả câu dưới chân cầu, một phần vì để được ngắm nhìn cây cầu đẹp như kỳ quan này, phần cũng vì cá như tập trung về dạ cầu nhiều hơn những nơi khác.

Đã 2 giờ sáng, bước sang một ngày mới, ông Mười Chớp định thu dọn các dàn câu để chèo xuồng về nhà, rồi còn tuyển lựa cá để vợ ông kịp đem ra chợ Cài Vồn bán cho thương lái chở đi Cần Thơ hoặc TP. HCM. Bất ngờ, một tiếng rơi ùm xuống nước, rồi nước văng tung tóe ở giữa dòng sông Hậu, chỉ cách mũi xuồng của ông Mười Chớp chừng vài chục mét.

Ông Mười Chớp nghĩ ngay đến chuyện có người nhảy cầu tự tử. Ngày nào cũng thả câu trên sông Hậu khu vực gần chân cầu, ông Mười Chớp đã chứng kiến hoặc đã tham gia vớt xác hầu hết các trường hợp tự tử bằng cách nhảy cầu Cần Thơ.

Ông Mười Chớp nhớ đã có 7 hay 8 trường hợp tự tử bằng cách nhảy cầu trước đó, tất cả đều chết, dù có trường hợp ông Mười Chớp và các bạn câu đã kịp thời phát hiện người tự tử và bơi xuồng tới tiếp cứu. Khoảng thông thuyền của cầu Cần Thơ quá cao, gần 40 mét ở nơi đỉnh cầu. Những người tự tử thường chọn nơi cao nhất để nhảy cho “chắc chết”.

Ngay cả những người biết bơi rất giỏi, nếu rơi xuống nước từ độ cao ấy cũng khó toàn mạng, vì sức ép của nước đã làm cho nạn nhân bị tổn thương các cơ quan nội tạng gây ra tử vong ngay tức thì, trước khi người ấy chết vì ngạt nước.

Ông Mười Chớp bơi nhanh xuồng lại nơi vừa có người nhảy cầu, ông bơi hơi chếch về phía hạ lưu một chút theo chiều nước chảy, với hi vọng mong manh sẽ cứu giúp được nạn nhân. Đã mấy mươi giây trôi qua mà chưa thấy nạn nhân nổi lên.

Nếu nạn nhân rơi xuống trong tư thế nằm ngang thì đã chết ngay lập tức vì sức ép khủng khiếp vào phần bụng và xác đã nổi. Đợi lâu mà chưa thấy nạn nhân trồi lên mặt nước, ông Mười Chớp đoán rằng nạn nhân rơi xuống sông trong tư thế đứng, cơ thể lao sâu xuống lòng sông, lâu nổi lên mặt nước, nhưng ít bị chấn thương, có hi vọng nạn nhân chưa chết ngay.

Ông Mười Chớp không phải đợi lâu, nạn nhân đã trồi đầu lên gần như ngay trước mũi xuồng của ông. Với kinh nghiệm mấy mươi năm sông nước, không ít lần cứu người bị đuối nước, ông Mười Chớp không mấy khó khăn tóm giữ lấy nạn nhân và đưa lên xuống, cùng lúc những bạn bè cùng đi câu với ông bơi xuồng tới tiếp cứu. Bằng những động tác sơ cứu người bị ngạt nước thành thạo, những người đi câu đã giúp cho nạn nhân thở được trở lại. Vậy là nạn nhân chưa chết.

Bây giờ ông Mười Chớp mới định thần quan sát kỹ nạn nhân – một thanh niên còn trẻ, chỉ độ ngoài 20 tuổi, mặt mày khôi ngô tuấn tú, ra vẻ là người đang học hành hoặc làm việc văn phòng chứ không phải người lao động chân tay. Nạn nhân được nhanh chóng đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và được cứu sống.
Sau đó ông Mười Chớp nghe nói nạn nhân là sinh viên của Trường Đại học Tây Đô thành phố Cần Thơ, quê ở huyện Kế Sách – tỉnh Sóc Trăng, vì buồn phiền chuyện tình riêng gì đó mà mượn cầu Cần Thơ để giải thoát. Người sinh viên này trở thành người thoát chết đầu tiên khi gieo mình từ trên cầu ở độ cao 39 mét xuống dòng sông Hậu.

Như bao nơi khác trên quả địa cầu, ở Tây Đô thỉnh thoảng cũng có người tự tìm đến cái chết như là cách giải thoát trước những muộn phiền, bế tắc trong cuộc sống. Không có gì lạ khi ở một đô thị chằng chịch sông rạch này, những người tự tử thường chọn cách lao mình xuống một dòng sông nào đó.

Khi chưa có cầu Cần Thơ, ở nơi đây thỉnh thoảng cũng phát hiện có người tự tử chết trôi sông. Đến khi có cây cầu Cần Thơ cao đẹp, có lẽ những người muốn kết thúc cuộc sống muốn được một lần cuối cùng trong đời đi lên đỉnh cây cầu để nhìn khắp bốn phương trước khi đi về nơi xa lắm. Mà cũng có thể họ chọn cầu Cần Thơ với độ cao “chết người” để cho sự chọn lựa cái chết của họ thêm phần chắc chắn.

Tôi đoán rằng, ngoài 10 trường hợp đã tự tử (2 trường hợp được cứu sống) ở cầu Cần Thơ tính cho tới ngày 10/5/2011, đã có không ít trường hợp mang ý định tự tử lên cầu Cần Thơ, nhưng đến nơi đã bỏ ý định.

Từ trên đỉnh cầu cao chót vót nhìn xuống dòng sông Hậu mênh mông, ai cũng thấy mình như nhỏ bé, như chơi vơi giữa trời đất, để rồi cảm thấy sợ trước độ cao hun hút, có người đã ngất xỉu khi vừa mới bước ra ngoài lan can cầu. Cũng có thể có người đã từ bỏ ý định tự tử khi lên đến đỉnh cầu, vì trước một khung cảnh quá đẹp, quá cao rộng, họ chợt thấy cuộc sống như thoáng đạt hơn, không quá bế tắc, và sự chọn lựa cái chết của họ khi tuổi còn đang xuân là cực kỳ phi lý!

Song Kỳ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét